Muốn Startup thành công, không nên nóng vội

Hiện nay từ “khởi nghiệp” trở nên một hot trend trong tìm kiếm, trong câu nói, ý nghĩ của nhiều người. Không chỉ trong ý nghĩ mà nó còn trở thành hành động của nhiều người đặc biệt là giới trẻ - họ đua nhau khởi nghiệp - “start-up”. Ở đây tôi không đề cập đến khởi nghiệp mạo hiểm bởi đó là con đường đầy chông gai, trắc trở, mà tôi chỉ nói đến khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp truyền thống. Khởi nghiệp và “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” thì thật là đúng, và luôn nuôi dưỡng tinh thần đó, nhưng khi khởi nghiệp thì không nên để từ “nóng vội” tồn tại song song. 
 

Một kịch bản thường diễn ra là khi huy động được một số vốn từ nhà đầu tư ban đầu (nhiều khi cũng từ túi của gia đình mình (đối với các bạn trẻ) hoặc từ chính mình (đối với các bạn không trẻ)), các khởi nghiệp gia thường rất hào hứng và nôn nóng dựng lên cho được một bộ máy với đầy đủ lệ bộ, từ thuê văn phòng đến tuyển nhân sự, in name card đẹp lung linh, và tưng bừng khai trương. Dĩ nhiên, nếu trong túi bạn có nhiều tiều, đủ để “hát hò” trong 1-2 năm đầu mà không lo đứt gánh thì lệ bộ này cũng không thành vấn đề lắm, nhưng thực tế là không phải ai cũng như vậy, đến 80-90% theo kiểu “giật gấu vá vai”, tồn tại trong một thời gian ngắn và “chết yểu”.

Cũng có nhiều doanh nghiệp start-up với những mô hình “giật gấu vá vai” này phải gồng lên và ép cả bộ máy này phải vận hành với sứ mệnh kiếm tiền, kiếm tiền, và kiếm tiền thật nhanh. Tận dụng đủ mọi cách thức, mưu mẹo, quan hệ, xoay sở làm sao mang tiền về một cách nhanh chóng nhằm cứu vãn tình thế. Mọi người cuốn vào vòng xoay để làm sao kiếm được tiền thật nhanh, để nuôi đội ngũ, để duy trì bộ máy vận hành... vân vân và vân vân với một danh sách chi phí khác nhau dài lê thê không kể nổi. 
 

Dĩ nhiên có nhiều tổ chức, dưới sự xoay sở tài tình của lãnh đạo, với quan hệ rộng mở thì cũng có thể vượt qua giai đoạn ăn đong này, có điều chắc chắn không phải nhiều. Phần lớn sau một thời gian start-up thì thấy lãnh đạo các khởi nghiệp này đều quần ống thấp ống cao, thở không ra hơi bởi vì ngưng ngọ ngoạy một chút là đứt bữa, là nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ thuế, nợ tiền văn phòng... nó như cái thòng lọng cứ thắt lại dần và làm họ phải tiếp tục lao vào vòng xoay không hồi kết kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền.

Vậy làm thế nào để không nhảy vào mớ bòng bong này khi thực tế chưa đủ sức để start-up?

Câu trả lời dĩ nhiên không đơn giản, nhưng gói gọn lại một số điều
Một là: phải biết lượng sức mình
Hai là: nghĩ lớn nhưng làm nhỏ và chia thành nhiều giai đoạn với những chiến lược khác nhau để đạt được đích đến đã lên kế hoạch
Ba là: làm từ từ nhưng chắc chắn và khai thác điểm mạnh của mình
Và đặc biệt, Bốn là: tránh bị cuốn mình vào những món lợi trước mắt khiến mất tập trung để bạn có thể xây nên một thứ gọi là “giá trị cốt lõi của doanh nghiệp” mình.

Nếu bạn sản xuất sản phẩm, dĩ nhiên là phải đầu tư để mài dũa sản phẩm của mình, nhưng khi mới làm thì nên áp dụng mô hình MVP (Minimum viable product)- một “sản phẩm dùng thử” với quy mô nhỏ của doanh nghiệp để thử nghiệm, đo đếm, nhận phản hồi của khách hàng  và phân tích những phản hồi đó rồi để cải tiến đến khi nào sản phẩm đó đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường thì mới chính thức đưa ra thị trường. Mô hình MVP cũng giúp các doanh nghiệp start-up tạo mối quan hệ với khách hàng đã dùng thử sản phẩm của doanh nghiệp bạn, và họ sẽ chính là những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp sau này. Hãy đi từ từ, làm nhỏ nhưng chắc chắn và có thể kiểm soát được tình hình.
 

Nếu bạn làm dịch vụ, thương mại thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng cho mình 1 website. Hãy dành 1 cho đến 12 tháng ban đầu để xây dựng hệ thống nội dung và các hạng mục đúng chuẩn SEO (Search Engine Optimization) nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong kết quả tìm kiếm. 
Hãy cung cấp những bài viết có nội dung hấp dẫn, rõ ràng trước mắt khách hàng và chứa những từ khóa mà người dùng hay tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm Google. Hãy duy trì ngân sách thường xuyên cho website này bởi vì nó là một kênh tiếp cận khách hàng thường xuyên, tự nhiên và liên tục của bạn, kể cả trong lúc bạn đi ngủ. 
Hãy cập nhật bài viết trên website của các bạn thường xuyên và đều đặn thay vì đổ dồn nhiều tiền cho một chiến dịch chạy quảng cáo trong một thời gian ngắn. Nếu nhiều người có website tốt, tương tác đều đặn thì đến thời điểm này, bất chấp bệnh dịch, bất chấp cách ly, chẳng cần quảng cáo trên Facebook, Google hay bất kỳ kênh nào khác, đơn hàng vẫn đều đều, không phải lo lắng lắm.
 

Trong ngành marketing thì quảng cáo truyền thống gọi là Outbound Marketing. Outbound Marketing có nghĩa là các doanh nghiệp có gì nói nấy và cố nhắm trúng khách hàng một cách đại trà thông qua các kỹ thuật ngắm mục tiêu (targeting) từ các kênh marketing và quảng cáo như truyền hình, telesales, gửi email giới thiệu thông tin của sản phẩm, gặp mặt trực tiếp (tùy theo quy mô của doanh nghiệp và chi phí của doanh nghiệp dành cho marketing). 
Tuy nhiên việc gửi thư, tiếp cận trực tiếp, email … rất khó tiếp cận khách hàng bởi khách hàng sẽ từ chối ngay khi đội sale muốn tiếp cận huống hồ là ngồi nghe đội sale nói về sản phẩm đó, và các công cụ phòng chống, từ chối nhận thông tin qua điện thoại, qua email, qua mạng xã hội… đã tự động cho các thông tin sản phẩm của bạn vào “thùng rác” khi mới vào hòm thư của khách hàng. Vậy có cách nào khác không? 
 


Câu trả lời là có! Đó là một công cụ hiệu quả hơn nhiều đó là InBound marketing, đó là thứ mà khách hàng tìm, thứ mà khách hàng thấy một cách tự nhiên. InBound marketing cách dễ hiểu là một cách tiếp cận khách hàng dựa trên nội dung và sự tương tác mang lại giá trị hữu ích cho khách hàng. 
Đó chính là cách mà doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề mà họ đang mắc phải thông qua việc sử dụng sản phẩm mà bạn cung cấp. Hay nói một cách khác với Inbound marketing, khách hàng sẽ tự tìm tới bạn, và như vậy tỷ lệ tiếp cận trúng khách hàng sẽ cao hơn rất rất nhiều so với OutBound (tùy ngành, có thể lên tới hàng chục, đến hàng trăm lần).
 

Rất khó có thể tìm được một phương pháp giải quyết được tổng thể tất cả các bài toán. Việc sử dụng OutBound hay InBound riêng lẻ hay kết hợp cả hai đều tùy thuộc vào tính phù hợp mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Ví dụ đối với các sản phẩm cao cấp thì nên sử dụng phương pháp InBound marketing, nhưng các mặt hàng mua sắm có vòng đời ngắn, và phụ thuộc vào sở thích thì nên sử dụng phương thức OutBound marketing để tiếp cận khách hàng là phù hợp hơn.
Tuy nhiên nói như nào đi nữa thì tôi vẫn muốn kết luận bài viết với lời khuyên là các bạn nên xây một website cho doanh nghiệp của mình, cho cá nhân mình thật GIÀU THÔNG TIN, thật RÕ RÀNG, thật NHANH để người dùng họ tìm đến trong lúc mình ĐI NGỦ và sẽ nhiều người biết tới bạn, biết tới doanh nghiệp của bạn hơn. Chúc các bạn tranh thủ lúc dịch dã như thế này, đối thủ dừng lại thì mình tiến lên nhé.
 

Tin cùng chuyên mục

OUR TEAM

Meet the team - our office rats:


Boss

ThS. Lê Ngọc An

Senior advisor

Boss

ThS. Trần Vĩnh Thanh

Senior advisor