3 Tips cải thiện kỹ năng nói Tiếng Anh hiệu quả

Trong 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, trong chúng ta có một số bạn sợ nhất kỹ năng nói vì thường không biết nói gì, không biết bắt đầu từ đâu, sợ “nghe quê”, sợ ngữ điệu đều đều, sợ không có từ, sợ bí ý tưởng vân vân và mây mây. Nhưng không sao, với 3 típ ngắn gọn dưới đây, hy vọng các bạn sẽ phần nào cải thiện được kỹ năng nói của mình, xua tan mấy nỗi “sợ” được liệt kê ở trên.

Tip 1. Hãy học các Cụm Từ tiếng Anh
Nhiều bạn chỉ học từ vựng và cố gắng kết hợp các từ riêng rẽ với nhau để tạo thành một câu có nghĩa. Kết quả là nhiều từ các bạn ấy biết, nhưng không thể tạo ra một câu có nghĩa được. Nguyên nhân là do các bạn không học các Cụm Từ, nên khi nói tiếng Anh chỉ nói rời rạc các từ ngữ và có thể chúng không có nghĩa hoặc không giúp tạo ra nghĩa hay hơn. Thực tế cho thấy cách học tiếng Anh cũng như cách Trẻ con học ngôn ngữ mẹ đẻ. Trẻ sẽ sẽ học cả từ và Cụm từ với nhau thông qua việc bắt chước trong quá trình lắng nghe người lớn nói. Nên việc học tiếng Anh cũng tương tự, người học nên học các cụm từ mà người bản ngữ hay sử dụng trong những văn cảnh phù hợp sẽ tạo nên ngôn ngữ chuẩn chứ không nên nghĩ theo các từ ngữ đơn lẻ giống tiếng Việt. Việc chúng ta học tiếng Anh là học ngôn ngữ mà người bản ngữ hay sử dụng, vậy nên tạo cho mình thói quen dùng các cụm từ có sẵn đó có vẻ dễ hơn là tạo ra những thứ từ vựng mới mẻ mà có khi những thứ mới mẻ đó không đúng và không được chấp nhận.



Chẳng hạn, trong tiếng Anh giao tiếp chúng ta nói “I am on an island” (Tôi đang ở trên một hòn đảo). Chúng ta không nói “I am at an island”, hay khi nói “chim bay trên trời” thì trong tiếng Anh nói là “a bird flies in the sky” chứ không phải “a bird flies on the sky”, hoặc những cụm từ như “by the sea”, “beside the river” chứ không phải các cách nói theo cách hiểu của người Việt ta. Tại sao? Khó có câu trả lời nào hợp lý, chỉ có thể giải thích là có sự khác biệt về văn hóa, về ý niệm, và đó là những cụm từ được người bản ngữ sử dụng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi còn các cách nói khác thì không.
Vì thế các bạn đừng bỏ phí thời gian mà hãy học thật nhiều các cụm từ này nhé. Hãy sử dụng thời gian học Cụm Từ và cũng đừng quên chia chúng thành các nhóm, các chủ đề, các văn cảnh khác nhau để khi cần thiết có thể kiểm tra, hoặc nhắc nhớ, dần dần dùng thành thạo khi nói Tiếng Anh nha.

Tip 2. Đừng dịch từ tiếng mẹ đẻ
Giống như tip 1, khi muốn tạo ra một câu Tiếng Anh, hãy sử dụng những cụm từ tiếng Anh phổ biến, đừng dịch từng từ từ tiếng mẹ đẻ ra các bạn nha. Bởi lẽ thứ tự của các từ có thể khác nhau hoàn toàn, sẽ rất mất thời gian khi nói chuyện và đồng thời câu có thể bị sai về nghĩa hoặc nghe không thuận tai. 
Típ này xuất phát từ phương pháp học hình ảnh có từ rất lâu trong lịch sử giảng dạy. Theo phương pháp này, người học cần tạo được kết nối thẳng từ đồ vật sang từ vựng (mang tính võ đoán) của ngôn ngữ tiếng Anh thay vì phải chuyển thể trung gian qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Ví dụ nhiều người Việt học tiếng Anh phải chuyển qua quá trình rất phức tạp từ vật (cái bút chì) sang -> từ tiếng mẹ đẻ là “bút chì” rồi dịch sang từ tiếng Anh “pencil”. Quá trình ngược lại cũng vậy - khi nhìn thấy từ “pencil” thì dịch ra thành từ “bút chì” trước rồi mới hình dung hình ảnh cái bút chì    trong đầu. Làm như thế mất hai bước rất mất thời gian. Thay vì như vậy, chỉ nên tạo thành thói quen làm một bước thì sẽ giúp người học nói tiếng Anh trôi chảy. Đó là tạo nên một kết nối thẳng từ hình ảnh sang từ vựng tiếng Anh tương ứng là  “pencil”. Nếu tạo được thói quen này, sau này khi mắt nhìn thấy hình ảnh cái bút chì thì đồng thời miệng nói “pencil” và tai nghe từ “pencil” hoặc ngược lại khi miệng nói từ “pencil” thì mắt nhìn ra hình ảnh.
.
Tip 3. Đọc và Nghe là CHƯA ĐỦ.  Hãy luyện tập Nói những gì nghe được
Người ta hay nói “lâu không nói thì sẽ nói ngượng mồm”. Đúng vậy, trong tiếng Anh, nếu không luyện tập nói thì lưỡi của chúng ta sẽ đặt vào vị trí sai khi phát âm, lời nói khó trôi chảy và thậm chí thấy ngượng mồm. Hay nói cách khác, để nói Tiếng Anh thông thạo thì cần phải luyện tập nói thường xuyên để lưỡi của chúng ta quen với các vị trí phát âm từ tiếng Anh vốn đã không quen thuộc khi ta nói tiếng Việt.



Khi học tiếng Anh, để nói tốt, hãy đừng dừng lại ở việc nghe, mà hãy nói to lên những từ vựng, những câu nói theo ngữ điệu mà ta vừa nghe từ người nói (nếu người nói bản ngữ thì càng tốt), và tiến tới việc nói lên những nội dung ta vừa nghe, đọc được (dưới dạng tóm tắt) vì khi ta luyện tập nói to thì miệng và não có thể hoạt động chung và lâu dần hình thành nên thói quen, sẽ không bị tốn sức. Nghe người khác nói (người bản ngữ thì càng tốt) và nhắc lại những câu, những đoạn hay theo đúng ngữ điệu của họ cũng sẽ giúp cải thiện âm điệu tiếng Anh của các bạn. Bằng cách đó, không những khả năng nói Tiếng Anh có thể cải thiện đáng kể mà giọng điệu của chúng ta khi nói tiếng Anh cũng sẽ tiệm cận với giọng của người bản ngữ.
Chúc bạn sớm cải thiện được kĩ năng Nói tiếng Anh của mình nhé!
 

Tin cùng chuyên mục

OUR TEAM

Meet the team - our office rats:


Boss

ThS. Lê Ngọc An

Senior advisor

Boss

ThS. Trần Vĩnh Thanh

Senior advisor