Các bạn thân mến,
Tầm quan trọng của một chứng chỉ Anh ngữ quốc tế chắc không cần phải bàn cãi nhiều trong thời nay. Chứng chỉ quốc tế được ví von như giấy thông hành vào đời, như một chiếc chìa khóa mở ra bạt ngàn cơ hội: cơ hội có một việc làm tốt hơn, được đi du học và hòa mình vào cuộc sống của các quốc gia nói tiếng Anh, kết bạn và giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế…
Có nhiều bạn trước mắt cần có chứng chỉ quốc tế để có thể vượt qua yêu cầu đầu ra ngoại ngữ và nhận được tấm bằng tốt nghiệp từ trường đại học nơi mình đang học tập. Theo thống kê thì phần lớn các trường top đã lấy các chứng chỉ quốc tế để làm yêu cầu về ngoại ngữ cho các sinh viên trước khi tốt nghiệp (ví dụ trường ĐH Kinh tế Quốc dân yêu cầu các sinh viên vào trường từ năm 2017 trước khi tốt nghiệp phải có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ trước khi tốt nghiệp), còn một số trường thì ngoài các bài thi tự họ tổ chức, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu khi xét tốt nghiệp. Nói tóm lại, chứng chỉ quốc tế luôn luôn cần và luôn được các bạn sinh viên mong đợi sở hữu. May thay, từ nay YOU ARE NOT ALONE, tại không gian chia sẻ này các bạn sẽ có chúng tôi đồng hành và 1001 cách hỗ trợ các bạn sẽ được chia sẻ nhằm giúp các bạn có kết quả học tiếng Anh cao hơn, tự tin thi các chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL, APTIS, CAMBRIDGE) để đạt kết quả cao nhé!
Nhưng chúng ta thông cảm nha, vì khó có thể đưa ra những lời khuyên ngay và ONE FITS ALL được nên các bí kíp sẽ lần lượt được “ra lò” nha. Mở đầu bài 1 sẽ là những mẹo làm bài Nghe của chứng chỉ quốc tế IELTS, một trong những chứng chỉ hàng đầu mà các tổ chức quốc tế sử dụng để đánh giá trình độ cũng như năng lực tiếng Anh toàn diện. Đây là một trong những kỳ thi quốc tế với 270 trung tâm khảo thí ở 110 nước khác nhau. Hiện nay trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Khoa Ngoại ngữ Kinh tế A1-705) là test site - một địa điểm được phép tổ chức thi các chứng chỉ IELTS của Hội đồng Anh hoặc tổ chức IDP đó các bạn nhé.
Cụ thể các mẹo làm bài Nghe của chứng chỉ quốc tế IELTS là gì?
• Tuyệt đối không lơ là với các ví dụ cho trước ở đầu mỗi phần thi, đây chính là lúc chúng ta làm quen với âm thanh, tình huống và quan trọng nhất là ngữ điệu của người nói.
• Thường có những đoạn dừng giữa các phần thi khác nhau, hãy tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị cho các câu hỏi tiếp theo để không bao giờ bị động khi phần nghe đã được bật chạy mà chúng ta chưa nắm được yêu cầu cần làm gì nhé!
• Nên trả lời các câu hỏi theo thứ tự xuất hiện trong đề thi vì đây cũng thường là thứ tự xuất hiện của thông tin trong đoạn ghi âm.
• Vào cuối phần ghi âm sẽ có thời gian để các bạn chuyển đáp án ra Phiếu trả lời, đừng quên kiểm tra lại ngữ pháp và chính tả của mỗi đáp án trong lúc này vì trong bài thi IETLS, nếu bạn viết sai chính tả thì toàn bộ từ trả lời của bạn sẽ không được tính điểm đâu nhé!
• Hãy đọc lướt qua các câu hỏi và quyết định xem từ loại cần điền vào mỗi chỗ trống là gì nhé! Danh từ? Động từ? Tính từ? Xác định từ loại và viết tắt (‘N’ cho noun, ‘V’ cho verb…), điều này sẽ giúp bạn tập trung và điền được chính xác từ loại yêu cầu cho mỗi chỗ trống khi nghe.
• Chú trọng vào những từ mang tính “định hướng” như however, but, then, finally… vì chúng sẽ giúp bạn đoán trước được nội dung sắp tới mà người nói đề cập đấy!!!
• Đừng vội vã viết ngay câu hỏi khi nghe thấy câu hỏi được nhắc đến, đôi lúc thông tin này sẽ được lặp đi lặp lại hoặc sửa lại trong những phần sau của đoạn ghi âm, hãy chắc chắn thông tin mà bạn ghi vào đáp án là thông tin cuối cùng nhé!
Chúc các bạn tự tin hơn khi làm bài IELTS Listening Test với những lời mách nhỏ trên và cùng chờ đón các chia sẻ tiếp theo với mẹo làm bài thi nghe sâu hơn thật hiệu quả nha!