Chiến lược làm bài IELTS Reading đạt điểm cao

Các bạn sinh viên thân yêu của cô ơi, các bạn đã áp dụng được bao nhiêu mẹo nhỏ trong cách làm bài thi IELTS cô đã chia sẻ trước đây rồi? Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau phân tích các dạng câu hỏi của kỹ năng Reading trong bài thi quốc tế IELTS để cùng lên chiến lược làm bài thật hiệu quả nhé. 
 

Chiến lược làm bài IELTS Reading đạt điểm cao

I.    DẠNG BÀI "NỐI ĐOẠN VỚI TIÊU ĐỀ"
Dưới đây là 1 ví dụ:
 
 
Đây là dạng câu hỏi khó, một phần vì câu trả lời không theo trật tự xuất hiện trong bài, một phần vì số lượng các tiêu đề (heading) được cho sẵn nhiều hơn số lượng của đoạn (paragraph). 
Tuy dạng câu hỏi này thường được đặt đầu tiên trong chuỗi các câu hỏi, nhưng lời khuyên đầu tiên cho các bạn là hãy làm những câu hỏi khác trước cho đến khi bạn quen với nội dung bài đọc rồi mới quay lại làm dạng câu hỏi này. Sau khi làm các dạng câu hỏi khác thì bạn sẽ phần nào nhớ nội dung đoạn đọc và bạn sẽ thấy mình có thể nhanh chóng nối ngay được một số đoạn vì bạn đã nhớ đoạn này nói về vấn đề gì rồi!

Lời khuyên thứ hai là: Thay vì bắt đầu làm theo lần lượt từ đầu đến cuối từ đoạn đầu tiên của bài, bạn nên chọn đoạn ngắn nhất. Những đoạn văn ngắn thường sẽ dễ tìm tiêu đề hơn rất nhiều bởi trí nhớ ngắn hạn của chúng ta sẽ có thể tóm tắt và lưu giữ thông tin với khối lượng nội dung ngắn một cách chính xác hơn. Sau đó chúng ta sẽ loại trừ được một số đáp án đã khớp, thu hẹp số tiêu đề còn lại cho những đoạn dài hơn.

Một lời khuyên sau cùng và cũng không kém phần quan trọng đó là luôn nhớ rằng đây là dạng câu hỏi khó và tiêu tốn khá nhiều thời gian nhất là với những chủ đề thuộc chuyên môn hẹp và các nội dung của các heading rất giống nhau. Đừng dành nhiều hơn 20 phút cho mỗi bài. Nếu bạn không thể hoàn thành dạng bài này sau 20 phút thì hãy bỏ qua để làm các bài khác và quay lại nếu còn thời gian sau đó.

Dưới đây là một gợi ý để các bạn tham khảo về 3 cách làm dạng bài này nhé:
Cách 1: Xuất phát từ các tiêu đề: Đọc các tiêu đề headings trước; gạch chân các từ chính (key words) trong các headings này; sau đó đọc lướt qua bài để tìm vị trí của các key words đó trong bài đọc; Sau khi xác định được vị trí của các key words thì nên đọc cả câu có chứa key words đó một cách cẩn thận để xác định xem có đúng thông tin có trong key words không. Nếu đúng thì cũng nên lướt qua toàn đoạn để khẳng định lại một lần nữa nhận định của mình và điền vào phiếu trả lời đoạn mà các bạn vừa đọc. Còn nếu chưa đúng thì lại lặp lại các bước làm như đã nhắc ở trên. Lưu ý các bạn phải kiểm tra toàn bộ thông tin một cách cẩn thận nhé vì có rất nhiều các thông tin nhiễu (distractors)- nhiều khi thông tin trong câu bạn đang đọc chỉ diễn đạt được 1 phần ý nghĩa trong key words bạn đang chọn thôi chứ không phải toàn bộ nội dung trong câu heading đó.

Cách 2: Xuất phát từ một đoạn cụ thể: Bạn hãy đọc 1 đoạn trong bài, tìm ý chính của toàn bộ đoạn đó và sau đó quay lại đọc toàn bộ các headings. Nếu nội dung của câu heading nào phù hợp với nội dung của toàn đoạn vừa đọc thì đó là câu trả lời. Lưu ý khi đã chọn được heading nào thì hãy lấy bút ghạch bỏ heading đó nhé để các bạn không mất thời gian đọc lại heading đó khi chọn các câu sau, và vì trí nhớ ngắn hạn 

Cách 3: Đọc cả bài: Thường là lựa chọn cho những bạn nào có trí nhớ ngắn hạn (short term memory) cực giỏi nhé và tốc độ đọc cực nhanh. Các bạn đọc toàn bộ bài (với tốc độ nhanh) và ghi nhớ ý chính của toàn bài, định vị được ý chính theo từng đoạn. Vì bạn có trí nhớ ngắn hạn tốt nên có thể định vị được vị trí của thông tin được đề cập trong heading trong toàn bài. Lưu ý: Sau khi định vị được vị trí trong bài, bạn đọc kỹ lại phần đó 1 lần nữa trước khi quyết định và có thể đọc từng heading một và ghi được ý chính ra lề của từng đoạn.

2.    DẠNG BÀI "ĐOẠN NÀO CÓ CHỨA THÔNG TIN (CHO SẴN DƯỚI ĐÂY)...?
Dưới đây là một ví dụ của dạng bài này.
 
 
Thay vì đọc lấy ý chính của đoạn, dạng câu hỏi này sẽ đi vào những chi tiết nhỏ và cụ thể. Sẽ có trường hợp, một số đoạn trong bài không cung cấp câu trả lời cho bất kỳ thông tin trong câu hỏi, hoặc rất có thể một đoạn trong bài lại chứa nhiều hơn một thông tin trong câu trả lời. Không khó để hiểu câu hỏi dạng này, nhưng sẽ rất khó để tìm được thông tin trả lời cho câu hỏi. 
Để làm bài này, bạn hãy làm những câu hỏi đơn giản và dễ nhận biết trước- đó là câu hỏi có chứa tên riêng, số liệu, thời gian hoặc một từ khóa đặc biệt dễ tìm nào đó.

Dạng bài này có 2 cách làm như sau:
Cách 1: Tiếp cận từ câu hỏi
Bạn nhìn trước vào các câu hỏi đầu tiên để hiểu được đại ý của toàn bài, sau đó đọc nhanh toàn bài để hiểu ý chính của từng đoạn văn. Nếu bạn đọc và nắm được ý của các đoạn văn thì khả năng trả lời đúng câu hỏi sẽ cao hơn rất nhiều. Để không bị nhầm lẫn và tránh quên, các bạn nên ghi vắn tắt ý chính sang bên lề của từng đoạn đó.
Tiếp theo chúng ta sẽ lần lượt đọc từng câu hỏi và cố gắng đoán nó thuộc vị trí đoạn văn nào. Lưu ý là đừng chỉ tập trung vào “Key word” trong câu hỏi mà thay vào đó, nghĩ nhiều về ý nghĩa của câu hỏi. Bạn nên nhớ rằng bạn nên tìm “các cụm từ đồng nghĩa - synonyms” của nó trong đoạn văn chứ không phải là từ y hệt hoàn toàn bởi rất ít khi các câu hỏi và câu trả lời trùng hệt nhau về mặt từ vựng.
Giờ thì bạn hãy đọc đoạn văn bạn vừa thử đoán. Đặt câu hỏi: có câu nào/cụm nào liên quan đến câu hỏi không? Nếu có, đọc lại câu hỏi và chọn đáp án sau khi đã khẳng định điều mình vừa đọc được.
Nếu vẫn không tìm được đáp án, bạn hãy tiếp tục đọc câu hỏi tiếp theo, sau đó quay lại câu hỏi ấy sau cũng chưa muộn. Nhiều khi các câu hỏi sau lại gợi ý cho các câu trả lời trước.

Cách 2: Tiếp cận bài đọc (text)
Bạn có thể sử dụng cách tiếp cận bài đọc trước, sau đó mới đọc câu hỏi.
Trước hết bạn đọc từng đoạn văn rồi đọc tất cả các câu hỏi để xem thông tin nào khớp với đoạn văn nào. Nếu không tìm thấy câu trả lời, bạn nên tiếp tục chuyển sang đoạn khác. Lợi ích của phương pháp này là bạn chỉ phải đọc bài văn một lần. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này bạn phải dành nhiều thời gian để đọc những đoạn văn không chứa câu trả lời, do đó tốc độ đọc của bạn phải nhanh hơn.
Cách tiếp cận nào hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, bạn hãy dùng thay thế các phương pháp, rồi so sánh số lượng câu trả lời đúng và sẽ quyết định được cách nào phù hợp nhất với bạn nhé.

3.    DẠNG BÀI "ĐÚNG", "SAI" HOẶC "KHÔNG CÓ THÔNG TIN" (TRUE/T, FALSE/F, NOT GIVEN/NG)
Ở dạng bài này, chúng ta thường bị lẫn lộn giữa 2 đáp án “Sai – False” và “Không đề cập đến – Not mentioned/ Not given”. 
Hãy nhớ rằng bạn chỉ được chọn đáp án là “Sai” khi tìm được thông tin trong bài trái ngược hoàn toàn với thông tin trong câu hỏi; hay nói một cách khác, bạn phải tìm được sự tồn tại của một khái niệm hoàn toàn khác với đề bài cho trước. Hãy chọn đáp án “Không có thông tin – Not mentioned/ Not given” khi không có thông tin được đề cập đến, hoặc bạn không đủ thông tin để quyết định.
Dưới đây là một ví dụ của dạng bài này:
 
Cách làm dạng bài này:
Để làm bài này, bạn hãy đọc những câu hỏi một cách cẩn thận để đảm bảo rằng bạn hoàn toàn hiểu những gì đoạn văn đó nói.  Đọc lướt nhanh (Scan) toàn bài text để tìm câu trả lời cho từng câu hỏi sẽ nằm ở đâu bằng cách dựa vào các từ khóa (key words) của câu hổi đó. Khi bạn tìm thấy vị trí của từ khóa đó, bạn hãy đọc toàn bộ câu đó một cách cẩn thận để xác định nếu bạn nghĩ rằng đó là T, F hoặc NG. Nếu cần có thể đọc lại câu hỏi một lần nữa.
Lưu ý rằng các câu hỏi có thể sẽ sử dụng các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt phủ định chứ không phải là từ giống hệt trong văn bản đó. Hãy cẩn thận với những từ mấu chốt mang tính chất đánh lừa người đọc như “only”, “all”, “never” ……. Bạn không nên dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu bạn không thể tìm thấy thông tin trong bài thì có lẽ đó thuộc câu trả lời NG đó bạn, nên nhiều khi đừng mất thời gian đi tìm bằng được thông tin trong bài nhé. 
Ngoài ra, bạn có thể thử cách làm sau: cố gắng trả lời chắc chắn các câu có chứa thông tin chính xác True/Yes. Còn đối với False/No và Not Given, hãy nên sử dụng trực giác khi các biện pháp khác không giúp được bạn. 
Tuyệt đối không nên suy luận theo thông tin ngoài đời câu trả lời của bạn bằng cách xây dựng các chuỗi logic dài để lý giải câu trả lời cho các câu hỏi đó vì làm như vậy sẽ dẫn bạn đến câu trả lời sai.

4.    DẠNG BÀI "NỐI TÊN" TÁC GIẢ/TÊN NHÀ NGHIÊN CỨU VỚI THÔNG TIN CHO SẴN. 
Dưới đây là ví dụ minh họa cho dạng bài này.
 
 
Một dạng câu hỏi thường xuất hiện nữa là nối tên một tác giả/ chuyên gia/ nhà nghiên cứu với một nhận định cho sẵn. Chúng ta sẽ được cung cấp một danh sách tên các tác giả/ chuyên gia/ nhà nghiên cứu và nhiệm vụ của chúng ta là phải nối tên những người này với nhận định mà họ đề cập trong bài.

Cách làm dạng bài này: 
Chúng ta trước tiên hãy tìm những tên riêng này xuất hiện trong bài. Thậm chí có thể dùng bút để khoanh tròn những tên riêng đó. Đọc lướt bài (đừng đọc kỹ, chỉ đọc lướt để tìm vị trí tên riêng đó mà thôi!) và gạch chân tất cả những tên riêng mà bạn tìm được trong bài. Lưu ý rằng các văn bản học thuật thường chỉ sử dụng họ của tác giả/ chuyên gia/ nhà nghiên cứu đó mà thôi. Ví dụ, nếu tên của chuyên gia là “Robert Smith” thì hãy tập trung tìm họ “Smith” nhé!
Với những cái tên được đề cập nhiều lần trong bài, thì bạn hãy làm sau vì bạn cần đọc kĩ hơn. Bạn có thể nối được ngay với những cái tên chỉ xuất hiện 1 lần. Sau khi bạn đã nối được tên người khớp với nhận định phù hợp, bạn hãy đánh dấu những câu đó trong đề bài và vị trí của nó trong bài đọc vì mỗi nhận định sẽ chỉ được nhắc đến một lần thôi nên việc đánh dấu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, không đọc lại nữa. Bạn hãy đừng quên tìm các “từ khóa” – những từ tương tự trong bài được sử dụng trong câu hỏi nhé vì như đã đề cập, rất ít khi câu trả lời và câu hỏi có các từ quan trọng trùng khít nhau lắm.
Vậy cụ thể các bước làm dạng này nên như sau:

Bước 1: Đọc các tên được cung cấp và đọc lướt nhanh (scanning) toàn bộ các tên đó trong bài, khoanh tròn chúng lại. 
Bước 2: Bắt đầu bằng những cái tên riêng xuất hiện ít trong bài trước. Đọc các thông tin liên quan đến từng tên đó và chọn các nhận định tương ứng. 
Bước 3: Đối chiếu lại các từ khóa trong câu hỏi và bài đọc để chắc chắn rằng câu nhận định bạn định chọn là hoàn toàn đúng.
Dưới đây là một vài ví dụ ngắn minh họa cho sự tương đương.

Bước 4: Kiểm tra lại đáp án của bài lần cuối.
Trước khi dung bút điền vào phiếu trả lời, bạn hãy đọc lướt toàn bài để kiểm tra lại thông tin. Chắc chắn rằng thông tin bạn định chọn là chính xác so với nhận định của bạn. Làm như vậy bạn sẽ không bị hối tiếc sau khi thi.

IELTS Reading vốn được nhận định là dễ kiếm điểm nhất. Hi vọng rằng các bạn sẽ kiếm được thêm nhiều điểm sau khi xây dựng chiến lược cụ thể dựa trên cách làm bài được gợi ý ở đây nhé!

Xem thêm: 3 TIPS CẢI THIỆN KỸ NĂNG NÓI TIẾNG ANH HIỆU QUẢ
 

Tin cùng chuyên mục

OUR TEAM

Meet the team - our office rats:


Boss

ThS. Lê Ngọc An

Senior advisor

Boss

ThS. Trần Vĩnh Thanh

Senior advisor